4h sáng, cụ Khánh (84 tuổi) lại túc tắc đạp xe thồ không phanh chở 2 thúng chuối vào Hà Nội. Nhiều người thương tình biếu thêm tiền nhưng cụ từ chối bởi cụ muốn được làm việc chứ không phải vì kinh tế khó khăn.
Nhiều năm nay, hình ảnh ông cụ lưng còng mặc quần áo nâu sồng gồng mình đạp chiếc xe cà tàng không phanh chở hai thúng chuối không còn xa lạ với người dân khu Hà Đông, Thanh Xuân. Mỗi khi có người gọi mua chuối, cụ lại loạng choạng, vắt chéo chân xuống xe giữ thăng bằng rồi mới cẩn thận chọn từng nải chuối ngon cho khách. Ông lão ngoài 80 chia sẻ, bận rộn và được làm việc là niềm hạnh phúc.
Nhiều năm nay, hình ảnh ông cụ lưng còng mặc quần áo nâu sồng gồng mình đạp chiếc xe cà tàng không phanh chở hai thúng chuối không còn xa lạ với người dân khu Hà Đông, Thanh Xuân. Ông lão ngoài 80 chia sẻ, bận rộn và được làm việc là niềm hạnh phúc.
16h chiều, cụ Nguyễn Trung Khánh (84 tuổi, ở thôn bãi Trung Việt, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) trở về nhà sau buổi chợ đắt khách. Hai thúng chuối tiêu đầy ắp khoảng 30 – 40 nải đã hết veo. Vừa về đến nhà, cụ Khánh lại tất bật ra bãi cắt chuối xanh về giấm.
Giấm chuối xong, thân già mỏng manh ấy lại “đu” trên chiếc xe cà tang không phanh để “chở thêm chuyến nữa trước khi trời tối”. Đoạn đường đến bãi chuối khoảng 5 km, cụ Khánh đạp xe mất 30 phút…
… bởi trên đường đi, chiếc xe đạp cà tàng thỉnh thoảng lại tuột xích.
Sinh năm 1929, thời thanh niên, cụ Khánh đã kiếm kế sinh nhai bằng nghề bán chuối. Năm 1993 sau khi vợ mất, cụ Khánh vẫn tiếp tục công việc này như một cái nghiệp. Giờ thì bốn người con đã trưởng thành, kinh tế khá giả, cụ cũng có cháu, chắt đề huề nhưng vẫn không chịu từ bỏ nghề bán chuối dạo.
Cụ Khánh đang sống cùng vợ chồng con trai thứ Nguyễn Trung Điển. Anh Điển cho biết, nhiều lần, các con định bán xe, cố tình làm hỏng xe và đôi thúng để cụ ở nhà nhưng xe hỏng thì cụ sửa hoặc mua xe thồ khác rồi sắm đôi rổ mới. Những cửa hàng sửa chữa xe đạp trong làng hoặc quanh đó đều được “nhờ vả” không sửa xe cho cụ. Không ai giúp, cụ mang xe lên tận Hà Đông sửa.
“Anh em tôi khuyên cụ nhiều lần nhưng không được. Kinh tế cũng không khó khăn nhưng cụ thích đi. Làm cách nào thì cụ cũng vẫn tìm được cách đi chợ cho bằng được. Chỉ trừ những lúc ốm mệt cụ mới ở nhà. Nghỉ 1-2 hôm thôi là cụ lại tiếp tục buổi chợ không sợ chuối chín hỏng”, anh Điển chia sẻ.
Mưa hay nắng, ngày nào cụ cũng đạp xe đi chợ bán chuối. Đoạn đường nào khó, cụ xuống đẩy đến chỗ dễ mới lên xe đạp tiếp. Một buổi chợ của cụ bắt đầu từ lúc 3h sáng với ngày Rằm, mùng 1 và 4h sáng với ngày thường rồi trở về nhà vào chiều muộn. “Sáng mua 10.000 xôi thì ăn thoải mái, trưa tôi ăn phở. Bữa tối ở nhà tôi ăn tầm hai lưng cơm”, ông cụ cười khi kể về khẩu phần ăn của mình.
“Ngày làm việc” của cụ thường kết thúc vào 12h đêm. Cụ làm không ngơi tay, hết đi bán về lại đi cắt chuối, giấm chuối rồi xếp vào thúng để chuẩn bị cho buổi chợ sau. Cụ thường không ngồi cố định ở vị trí nào mà di chuyển khắp các chợ cóc dọc đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Nhiều năm bán chuối, cụ cũng có những khách quen. Cụ bảo, có người đến mua biếu thêm tiền nhưng cụ chỉ lấy đúng số tiền chuối và trả lại cho họ.
“Có cả sinh viên cho tôi tiền nhưng các cháu còn đi học thì lấy đâu ra. Có người đưa tiền, tôi không cầm, thế là họ để vào thúng rồi chạy mất. Tôi rất ngại”, cụ Khánh giãi bày và tâm sự, “biết các con không bằng lòng” nhưng mình chẳng làm điều xấu nên không có gì đáng hổ thẹn.
“Đi lao động không xấu. Tôi đi ăn xin, đi trộm, cắp mới để người ta phải bình luận. Tôi đến chỗ mua, bán nào người ta cũng yêu, cũng quý. Và tôi cũng không làm gì để ai phải chê cười”, cụ già 84 tuổi nói. Theo cụ, các con không muốn bố đi chợ và mong ông ở nhà hưởng thụ tuổi già nhưng cụ thấy “tiếc việc”.
Đôi dép mòn vẹt để trong rổ chuối của cụ Khánh. Ảnh: Bình Minh.
Đi từ 4h sáng nhưng phải tới 9h – 10h cụ Khánh mới ra tới Hà Nội. Bán xong, trên đường về nhà, cụ lại tranh thủ nhặt nhạnh thêm ít củi.
Đôi bàn tay nhăn nheo, móng dài thâm đen vì nhựa chuối này đã hàng chục năm cắt, giấm và điều khiển chiếc xe đạp cà tàng chở những nải chuối chín ngon lành bán cho người dân. Khi được hỏi sẽ đi chợ đến lúc nào, cụ Khánh ngập ngừng: “Ai cũng hỏi tôi câu đó. Tôi sẽ đi đến lúc nào còn có thể”.
Theo Vnexpress
No comments:
Post a Comment