Wednesday, September 19, 2012

Báo Trung Quốc vỗ mặt Mỹ trước khi Clinton đến Bắc Kinh.


Các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay đồng loạt đăng bài cảnh báo Mỹ nên chấm dứt các chính sách đối đầu với Trung Quốc, ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á, bàn về Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Indonesia ngày 3/9 trước khi sang Trung Quốc ngày hôm nay. Ảnh: AFP
Bà Clinton đang có chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh khu vực này đang tồn tại căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á trong đó có những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines.
Hãng thông tấn chính thức Xinhua chỉ trích cách mà Washington đối xử với Trung Quốc, cho rằng Mỹ đã có quan điểm không có lợi cho Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng vẫn muốn tiếp cận thị trường cũng như nguồn tín dụng của Trung Quốc.
"Các chính trị gia Mỹ, những người ảo tưởng ấu trĩ rằng họ có thể vừa đào vàng ở Trung Quốc và vừa kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nên nhớ rằng người xưa từng nói không ai có thể ăn bánh vừa muốn bánh vẫn còn trên tay", AFP trích bài xã luận của Xinhua.
Bản xã luận bằng tiếng Anh kêu gọi Mỹ "chấm dứt vai trò của một kẻ lén lút gây rối, ngồi đằng sau một số nước mà giật dây".
Những chỉ trích này không thấy trong bài xã luận bản tiếng Trung, cho thấy Trung Quốc muốn gửi tín hiệu trực tiếp đến Mỹ trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton.
Khi Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chính sách đối ngoại và an ninh của họ dường như quả quyết hơn. Lập trường của Trung Quốc khiến một số quốc gia châu Á lo ngại, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố sự "trỗi dậy hòa bình" của nước này sẽ không gây xung đột và không đe dọa các nước khác.
Mỹ từ lâu đã có sự hiện diện quân sự trong khu vực và mới nhắc lại cam kết sẽ tập trung vào châu Á, khiến Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa.
Tờ Hoàn Cầu thời báo, phụ bản của báo đảng Trung Quốc, nói Mỹ đang cố "duy trì sự thống trị thế giới" và khẳng định "kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc là mục tiêu chiến lược sai lầm của Washington".
Tờ China Daily thì mềm mỏng hơn, đăng những lời mang tính hy vọng từ những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ rằng "Thái Bình Dương đủ rộng lớn cho tất cả chúng ta". Clinton phát biểu điều này trong chuyến thăm đảo Cook hồi tuần trước.
"Để cả hai nước đều cảm thấy hài lòng cho sự hiện diện lớn hơn của nước kia trong khu vực thì hai nước không cần phải đối diện với nhau theo trạng thái đối đầu. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là các bên phải giữ lời", China Daily viết.
Bà Clinton, đang trong chuyến công du châu Á Thái bình dương, sẽ tới Bắc Kinh cuối ngày hôm nay và dự kiến hội đàm với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Trước đó, tại Indonesia, Clinton phát biểu khuyến nghị các nước ASEAN đoàn kết trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển đảo trên Biển Đông. Bà nói việc giải quyết này không được sử dụng "ép buộc, hăm dọa, đe dọa dùng hoặc dùng vũ lực".
Biển Đông là một trong những điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ biển đảo giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam.
Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Mỹ.
Washington khẳng định không đứng về bất cứ bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên báo chí Trung Quốc cho rằng Mỹ đứng về phía chống lại Trung Quốc và chỉ trích các chính sách của Mỹ trong vấn đề này.
Vũ Hà





Trung Quốc muốn biến Trường Sa thành điểm du lịch

Tỉnh Hải Nam Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng tour du lịch trên Biển Đông trong đó bao trùm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Các ngón võ của Trung Quốc trên Biển Đông

Bia chủ quyền
Bia chủ quyền trên đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Biengioilanhtho.gov.vn.

Xinhua đưa tin thành phố Tam Á, địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hải Nam, đang lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động du lịch cho du thuyền của mình trên Biển Đông trong kế hoạch 10 năm 2012-2022. Du thuyền này hiện đã chạy thử đến quần đảo Hoàng Sa và nay muốn mở rộng tới Trường Sa cùng bãi đá Macclesfield mà Trung Quốc gọi là Trung Sa.
Bản dự thảo kế hoạch nêu trên do cơ quan du lịch Tam Á soạn thảo, "đã trải qua vòng đánh giá của các chuyên gia và đang chờ đợi để được chính quyền tỉnh xác nhận", một quan chức Sở du lịch tỉnh Hải Nam cho hay.
Thành phố Tam Á lần đầu công bố kế hoạch du lịch bằng du thuyền trên Biển Đông từ tháng 4 và đã cho một du thuyền chạy thử tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.
Phó chủ tịch tỉnh Hải Nam, Đàm Lực, phát biểu trong cuộc họp báo khi công bố kế hoạch cho biết tỉnh này đang thực hiện các công tác chuẩn bị để chính thức khai trương tour du lịch này trong năm nay. Năm 2009, Trung Quốc cũng từng công bố hướng dẫn phát triển ngành du lịch Hải Nam ra với thế giới, trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi du lịch Hải Nam ra đến quần đảo Hoàng Sa.
Trong tháng 6, Trung Quốc tuyên bố thành lập và triển khai quân đồn trú trên cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thị trưởng của "thành phố" mới thành lập phát biểu rằng du lịch được coi là một trong ba mũi nhọn để phát triển kinh tế của "Tam Sa", cùng với nghề cá và khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động trên của Trung Quốc và lên án nước này đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định việc Trung Quốc triển khai các hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, và là vô giá trị.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái trên, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Vũ Hà





Mỹ siết chặt an ninh các sứ quán sau bạo loạn.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington đang tiến hành "các biện pháp quyết liệt" để bảo vệ sứ quán trên khắp thế giới, đồng thời bác bỏ khả năng một vụ tấn công sắp xảy ra ở Libya.
Biểu tình chống Mỹ lan rộng châu Á

Người biểu tình đốt xe ở thủ đô Cairo, Ai Cập, để ủng hộ làn sóng chống Mỹ. Ảnh: AP
"Chúng tôi không được nhận được thông tin tình báo nào về một cuộc tấn công sắp xảy ra ở sứ quán ở Benghazi", AFP dẫn lời bà nói trong cuộc họp báo hôm qua. "Chúng tôi đang tiến hành các biện pháp quyết liệt để bảo vệ các nhân viên sứ quán và lãnh sự quán trên toàn thế giới".
Ngoại trưởng Clinton nói thêm rằng Washington "đang rà soát lại hệ thống an ninh ở các sứ quán và thắt chặt an ninh ở những nơi cần thiết". Mỹ cũng đang hợp tác với chính phủ các nước nhằm đảm bảo về nhu cầu an ninh.
Phát biểu trên của bà Clinton được đưa ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình chống Mỹ liên quan đến một bộ phim phỉ báng Hồi giáo đang lan rộng ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Một vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Kabul, Afghanistan, hôm qua đã nâng tổng số người thiệt mạng trong làn sóng bạo lực kéo dài một tuần qua lên 30 người. Trong số đó, có 4 nhà ngoại giao Mỹ ở Libya, bao gồm đại sứ Chris Stevens, thiệt mạng khi các phiến quân bao vây sứ quán ở Benghazi cách đây một tuần và tấn công bằng vũ khí hạng nặng trong 4 giờ liền.
"Chúng tôi sẽ làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi tìm ra những kẻ chỉ huy cuộc tấn công này và trừng phạt họ", bà Clinton tuyên bố. Hiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành một cuộc điều tra tại Libya, trong khi chính phủ nước này cũng tự tổ chức điều tra riêng.
Tuy nhiên, bà Clinton cho rằng hầu hết người dân ở các nước có phong trào Mùa xuân Arab đều đang nỗ lực xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
"Tại nhiều nơi mà hoạt động biểu tình biến thành bạo loạn, chúng ta có thể nhìn thấy bàn tay của những kẻ cực đoan đang cố gắng lợi dụng niềm tin của mọi người để đạt được mục đích của họ", bà nói. "Đây chỉ là một phần trong một cuộc tranh cãi lớn hơn đang diễn ra bên trong những xã hội này".
Bà nhấn mạnh rằng "các nhà ngoại giao Mỹ đang làm một công việc nguy hiểm" ở những khu vực xung đột, nhưng ngoại giao là một công việc quan trọng cần phải được tiếp tục.
Anh Ngọc


Đại sứ thiệt mạng, Mỹ điều tàu tới Libya

Tàu chống khủng bố của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ hôm nay được điều động tới Lybia để bảo vệ an ninh sau vụ tấn công đẫm máu vào lãnh sự quán Mỹ.

Một binh sĩ của Hạm đội An ninh Chống khủng bố Mỹ (FAST). Ảnh: Defense.gov
"Lực lượng thủy quân lục chiến đang điều động một đội của Hạm đội An ninh Chống khủng bố (FAST) tới Lybia", AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay.
Video lãnh sự quán Mỹ bị tấn công
Quyết định này được đưa ra sau khi ông Christopher Stevens, đại sứ Mỹ tại Libya, và 3 nhân viên ngoại giao đồng hương thiệt mạng khi một đám đông xông vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi. Những người này tức giận sau khi trích đoạn một bộ phim của nhà sản xuất nghiệp dư của Mỹ nhạo báng người Hồi giáo được đăng tải trên Internet.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng tăng cường an ninh tại những cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu tại thành phố miền tây Lybia, trùng hợp ngẫu nhiên với ngày kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.
Liên Hợp Quốc, NATO, tòa thánh Vatican và nhiều nước khác cũng lên án vụ tấn công của nhóm người Lybia. Chính phủ Lybia sau đó lên tiếng xin lỗi Mỹ vì vụ tấn công này. "Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới chính phủ và người dân Mỹ cùng toàn thể người dân trên thế giới vì những gì đã xảy ra", Mohamed al-Megaryef, chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lybia, nói.
Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cùng với một số đơn vị tư nhân được giao nhiệm vụ bảo vệ bảo đảm an ninh cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. Hiện chưa rõ làm thế nào mà những kẻ tấn công vượt qua được lực lượng an ninh để giết hại được những nhà ngoại giao Mỹ.
Hạm đội An ninh Chống khủng bố được thành lập năm 1987 nhằm đối phó nhanh nhất với những đe dọa an toàn sau những vụ tấn công khủng bố trong thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước. Hạm đội này luôn trong chuẩn bị để bảo vệ các lực lượng và sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu.
Vũ Hà